Chủ nhật - 18/08/2013 14:28
BÀI DỰ THI TÌM HIỂU “ ĐẢNG BỘ HUYỆN NÚI THÀNH – 80 XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN”
BÀI DỰ THI TÌM HIỂU
“ ĐẢNG BỘ HUYỆN NÚI THÀNH – 80 XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN”
Câu 1: Nêu bối cảnh ra đời và ý nghĩa của việc thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (nay là Đảng bộ huyện Núi Thành). Từ khi thành lập (1933) đến nay, Đảng bộ đã trải qua bao nhiêu kỳ Đại hội? Hãy nêu tên các đồng chí Bí thư Huyện ủy (Phủ ủy) từ năm 1933 đến nay?
Trả lời:
a. Bối cảnh ra đời và ý nghĩa của việc thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (nay là Đảng bộ huyện Núi Thành)
Trước sự tuyên truyền, vận động tích cực của các đảng viên trong chi bộ An Hòa, nhất là tập trung xây dựng các tổ chức Cứu tế đỏ - tổ chức “dự bị cộng sản”, nơi để các thanh niên yêu nước và tiến bộ rèn luyện đứng vào hàng ngũ của Đảng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho lực lượng quần chúng cách mạng. Đến tháng 4.1933, chi bộ An Hòa kết nạp thêm 6 đảng viên, phát triển 3 tổ Đảng, giác ngộ được hàng chục thanh niên vào tổ chức Thanh niên Cộng sản Đoàn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống bọn lý hương, cường hào bóc lột, gian lận trong việc thu thuế, tăng thuế, bày vẽ tệ nạn “xôi thịt” cẩn biếu, cúng tế, mê tín, dị đoan, đời sống nhân dân đã đói khổ càng thêm bần cùng… sự lãnh đạo của chi bộ An Hòa, nhất là thắng lợi ban đầu qua các cuộc đấu tranh đã lan tỏa đến các làng, xã chung quanh An Hòa như làng Vân Trai (Tam Hiệp), Tịch Tây (Tam Nghĩa), Phú Xuân Hạ (Tam Quang)… Chứng tỏ “chủ nghĩa cộng sản” đã lan ra các xã, tác động, cổ vũ phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân, công nhân, dẫn đến một số cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân lao động chống tệ “xôi thịt”, cẩn biếu và thái độ cường hào của bọn lý hương trong làng, của công nhân chống lại bọn chủ tư sản Pháp. Trong đó, điển hình là cuộc đấu tranh “phá chay” mấy ngày liền của nhân dân làng Phú Xuân Hạ (Tam Quang), của công nhân làm đường xe lửa đoạn Trà Lý- Bích Ngô và ga Trường Xuân (Tam Kỳ) bãi công, đòi giảm giờ làm, phát lương đúng kỳ… những cuộc đấu tranh tự phát, tuy còn hạn chế về quy mô và tổ chức nhưng chứng tỏ có sự ảnh hưởng, lãnh đạo của các đảng viên trong chi bộ An Hòa.
Việc mở rộng phạm vị hoạt động của chi bộ cùng với phong trào đấu tranh công nhân nổ ra liên tục, chi bộ An Hòa không đủ khả năng lãnh đạo, cần có một tổ Đảng cao hơn, lãnh đạo phạm vi rộng hơn, nhất là yêu cầu thành lập lại Tỉnh ủy Quảng Nam để lãnh đạo trong toàn tỉnh. Trước tình hình bức thiết và hội đủ điều kiện để thành lập một tổ chức đảng cao nhất của tỉnh; thực hiện sự chỉ đạo của Miền ủy miền Đông Nam bộ, đầu năm 1933, Chi bộ An Hòa tổ chức cuộc Hội nghị tại rừng Định Phước (xã Tam Nghĩa), để kiểm điểm tình hình, bàn nhiệm vụ công tác mới của chi bộ. Nhưng khi vào Hội nghị, nội dung đã chuyển sang bàn và quyết định thành lập lại Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (có thể xem đây là một lần Đại hội thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, sau vụ khủng bố tháng 5.1930), Tỉnh ủy lâm thời mới có ba đồng chí: Võ Minh- Bí thư, Lương Hợp Phố- phụ trách tuyên huấn và đồng chí Trần Học Giới- phụ trách liên lạc, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng miền Nam Trung kỳ, ra tờ báo “Cờ đỏ” để tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng. Bắt đầu từ đó, các cơ sở Đảng còn lại ở các phủ huyện trong tỉnh cũng được chắp nối. Nhiều nơi đã lập lại công hội đỏ, nông hội đỏ, cứu tế đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn và phụ nữ cảm tình cộng sản.
Việc ra đời chi bộ An Hòa và Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (lần thứ hai, năm 1933) trên đất Núi Thành, trong khi các phủ huyện trong tỉnh chưa có nơi nào xây dựng lại các tổ chức Đảng trong vụ bể vỡ tháng 10 năm 1930, Núi Thành đã trở thành “cái nôi, bàn đạp” của cách mạng tỉnh Quảng Nam.
Được sự giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, chỉ trong thời gian ngắn ở các xã Xuân Quang (Tam Quang), Diêm Trường (Tam Giang), Vân Trai (Tam Hiệp), Phú Quý Đại (Tam Mỹ Đông), Thạnh Trung (Tam Mỹ Tây)… đã thành lập được chi bộ Đảng để lãnh đạo quần chúng nhân dân.
Trước sự phát triển của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và yêu cầu của phong trào cách mạng địa phương,Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ. Ngày 15 tháng 8 năm 1933, tại rừng Định Phước (Tam Nghĩa), Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ được thành lập, gồm các đồng chí Phan Truy, Nguyễn Phùng và Đào Thuần Thăng, do đồng chí Phan Truy làm Bí Thư, nhiệm vụ chủ yếu của Phủ ủy lúc này là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức Đảng và quần chúng trong toàn phủ, đồng thời tổ chức học tập nâng cao nhận thức về chủ nghĩa cộng sản và về nhiệm vụ của Đảng bộ. Đến tháng 6 năm 1934, Phủ ủy tổ chức cuộc họp tại thôn 3, xã An Hòa (Tam Hải) để kiểm điểm tình hình và bàn kế hoạch tiếp tục phát triển tổ chức Đảng và quần chúng ở những xã chưa có chi bộ, tuyên truyền phát huy ảnh hưởng Đảng trong quần chúng, vận động tài chính cho Đảng. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Phùng làm Bí thư thay cho đồng chí Phan Truy- Hội nghị này được xem là Đại hội đầu tiên của Đảng bộ huyện Núi Thành, Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ hiện nay.
Sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ là mốc lịch sử quan trọng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng ở địa phương vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển đi lên, hòa cùng phong trào cách mạng chung của toàn tỉnh và của cả nước, thực hiện cuộc cách mạng đấu tranh dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
b. Từ khi thành lập (1933) đến nay, Đảng bộ đã trải qua 20 kỳ Đại hội.
c. Tên các đồng chí Bí thư Huyện ủy (Phủ ủy) từ năm 1933 đến nay:
1/ Phan Truy (8/1933- 6/1935)
2/ Nguyễn Phùng (3/1937- 1939)
3/ Võ Toàn (Võ Chí Công) (1/1940-3/1940)
4/ Lê Tấn Sửu (6/1940-6/1941)
5/ Đào Thuần Thăng (Đào Thăng) (6/1941 - 9/1941)
6/ Trương Kiểm (Trương Chí Cương) (1941- 1942)
7/ Phan Tốn (Huyển) (1942)
8/ Huỳnh Thanh ( Sự) (1944)
9/ Nguyễn Thế Kỷ (1945-1946)
10/ Trần Nhiên (1946-1947)
11/ Trương Thúc Kỳ (1947-1/1949)
12/ Nguyễn Chánh (1/1949- 9/1949)
13/ Nguyễn Đình Hùng (9/1949-5/1950)
14/ Đào Đắc Trinh (5/1950-1/1951)
15/ Nguyễn Tấn Kiên (1/1951-6/1951)
16/ Đinh Huynh (6/1951-1952)
17/ Huỳnh Hòa (1952-1957)
18/ Đỗ Thế Chấp (1957-10/1959; 4/1961- 12/1962; 10/1972-11/1973;11/1975-11/1982)
19/ Nguyễn Hữu Hồ ( 10-1959-3/1961)
20/ Ngô Độ (Nghiên) (12/1962-4/1963)
21/ Hồ Truyền (1964-1967)
22/ Hà Sang (4/1967-6/1967)
23/ Văn Trọng (Trần Đình Hiếu) (10/1967- 12/1967)
24/ Phạm Quang Bá (12/1967- 5/1968)
25/ Nguyễn Thành (6/1968- 3/1969)
26/ Trịnh Ngoạn 4/1969- 8/1969; 12/1982- 12/1983)
27/ Phan Ngọc Khái (Ánh) (9/1969- 4/1970)
28/ Nguyễn Lẫm (5/1970- 9/1972; 12/1973 - 10/1975)
29/ Vũ Ngọc Hải (1981)
30/ Hoàng Xuân Thọ (1982)
31/ Lương Văn Hận (1982, 9/1986- 3/1994)
32/ Hồ Thị Kim Thanh (1/1984-9/1986)
33/ Nguyễn Kim Phương (3/1994- 11/2000)
34/ Nguyễn Thanh Quý (11/2000- 11/2002)
35/ Nguyễn Ngọc Quang (11/2002-3/2004)
36/Nguyễn Văn Khương (4/2004- 8/2010)
37/ Nguyễn Tiến (10/2010- nay).
Câu 2: Nêu một số thành tựu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Núi Thành sau 30 năm thành lập (1983-2013), nhất là kết quả sau 10 năm xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn huyện?
Trả lời:
Một số thành tựu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Núi Thành sau 30 năm thành lập (1983-2013) và kết quả sau 10 năm xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai trên địa bàn huyện như sau:
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Núi Thành là huyện chịu nhiều hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân trong huyện đã nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Nhờ đó, cho đến năm 1977, Núi Thành đã khắc phục hậu quả chiến tranh và chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Những thành quả trong những năm khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất có một ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết của Huyện ủy và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn dân.
Thực hiện Quyết định số 144-HĐBT, ngày 03.12.1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) và Quyết định số 11-QĐ/TVTU, ngày 14.01.1984 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, huyện Tam Kỳ được tách thành hai đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Đảng bộ huyện Núi Thành cho đến nay có 17 đảng bộ xã, thị trấn; 21 đảng bộ, chi bộ cơ quan trực thuộc với trên 3.700 đảng viên.
Trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Nam, Núi Thành phải đối mặt với nhiều khó khăn, là huyện đất rộng, người đông, nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh còn tác động lâu dài. Nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thuận lợi của Núi Thành vẫn là cơ bản. Đó là thế mạnh về tài nguyên, giao thông, con người, những kinh nghiệm chỉ đạo trước đây là cơ sở để Đảng bộ chỉ đạo quân và dân trong huyện giành được những thành tựu to lớn hơn nữa. Đặc biệt, từ năm 2003 được tỉnh và Trung ương chọn Núi Thành làm thí điểm xây dựng Khu kinh tế Mở Chu Lai- Khu kinh tế Mở đầu tiên của cả nước. Điều đáng chú ý là trong lãnh đạo, Đảng bộ đã phát huy được những lợi thế so sánh và tiềm năng của địa phương, nắm bắt thời cơ, đề ra những chủ trương sát đúng, kịp thời. Nhờ đó, kinh tế của huyện trong những năm gần đây không ngừng tăng trưởng. Trong hơn 15 năm qua (1997-2012), tổng giá trị sản xuất bình quân mỗi năm tăng 18,77%; gấp gần 13,2 lần so với năm 1997. Tổng giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước: năm 2004 tăng 5,75%; năm 2006 tăng 14,74%; năm 2010 tăng 24,85%; năm 2012 tăng 6,13%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản từ năm 1997 đến năm 2012 tăng bình quân mỗi năm trên 8,48%; Sản lượng lương thực có hạt năm 1997 là 22.750 tấn, năm 2012 là 38.524 tấn, tăng bình quân mỗi năm 3,57%. Giá trị sản phẩm trồng trọt/ha canh tác tăng từ 8,09 triệu năm 1997 lên 21,70 triệu năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,58% mỗi năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2010 đạt 386 tỷ đồng; năm 2012: 582,41 tỷ đồng; tăng 8,2 lần so với năm 1997. Trong những năm gần đây, đã vận động trên 10 ngàn hộ, giải tỏa 1.500 ha đất. Tái định cư cho 1.600 hộ vào nơi ở mới; tổng số tiền bồi thường là gần 1.000 tỷ đồng; thu hút hơn 10.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, so với năm 1999 tăng 28,5 lần.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2012, tỷ trọng giá trị Công nghiệp - Dịch vụ chiếm 82,54%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% hộ dân có diện tích sinh hoạt; mạng lưới điện thoại được lắp đặt, phủ sóng trên toàn huyện, hiện có 24.419 thuê bao cố định, 1.900 thuê bao Internet. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 20 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 đạt 1.620 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1999. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2005-2012 đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả, có 34/63 trường học được tầng hóa; 20 trường đạt chuẩn Quốc gia; đến năm 2012, có 43% lao động được đào tạo; tỷ lệ hộ nghèo (mới) là 10,69% theo chuẩn mới, so với năm 1997 giảm 31,3%; hoàn thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Có 120/138 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa; 17/17 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia; hệ thống truyền thanh phủ khắp trên địa bàn huyện.
Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội cơ bản đảm bảo. Bộ máy chính quyền từ huyện đến xã, thị trấn phát huy tính hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận và các hội đoàn thể ngày càng được củng cố, đạt nhiều kết quả.
Đặc biệt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng từng bước được nâng lên, giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) bước đầu mang lại kết quả khả quan; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng được củng cố và giữ vững; niềm tin trong quần chúng đối với Đảng được nâng lên.
6 tháng đầu năm 2013, trong điều kiện có nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội huyện Núi Thành tiếp tục chuyển biến tốt. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 1,6 tỉ đồng (tính theo giá cố định năm 1994), tăng 38% cùng kỳ. Vụ Đông Xuân được mùa, năng suất lúa tăng 2,49 tạ/ha; giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị và trật tự an toàn được giữ vững. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nên một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch năm như thu ngân sách, triển khai các công trình xây dựng cơ bản chậm; trật tự xã hội, trật tự an toàn giao thông còn nhiều phức tạp và một số hạn chế khác.
Bên cạnh đó, sau 10 năm xây dựng và phát triển Khu kinh tế mở (KTTM) Chu Lai, những gam màu tươi sáng trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ… đã hé mở những cơ hội lớn cho nền kinh tế tỉnh nhà, khẳng định hướng đi đúng và lạc quan trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và kết quả đạt được như sau:
Từ chỗ trước đây chỉ là vùng cát trắng, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp thì đến nay đã có nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch, khu đô thị hình thành, trong đó có những nhà máy với quy mô lớn mang tầm quốc gia như Khu liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Nhà máy kính nổi, Nhà máy sản xuất Soda Chu Lai, Khu du lịch sinh thái Cát Vàng, Khu du lịch Chu Lai resort... Các dự án tại KKTM Chu Lai đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Nam, tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực và đóng góp đáng kể cho ngân sách. Nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã góp phần hình thành diện mạo ban đầu của KKTM như: Cầu cửa Đại, 03 tuyến đường cứu nạn cứu hộ ven biển, đường Thanh niên ven biển, đường Nguyễn Văn Trỗi nối dài KCN Tam Thăng, đường trục chính qua KCN Tam Hiệp, Cảng Tam Hiệp, Cảng Kỳ Hà, đường nối quốc lộ 1A với đường cao tốc, đường vào sân bay, bệnh viện đa khoa Trung ương và một số khu tái định cư...
Tại KKTM Chu Lai đã hình thành được 03 KCN với quy mô diện tích gần 1300ha, tỷ lệ lấp đầy gần 60%, tạo ra được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như ôtô, kính xây dựng, sản phẩm điện tử… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô đã góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô của Việt Nam. Hiện Trường Hải - Thaco là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe tải, xe khách và xe du lịch với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất. Giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng cao và phát triển đều qua các năm, giai đoạn 2006-2012 đạt 7.276 tỷ đồng (giá cố định 1994), trong đó năm 2012 đạt 1.900 tỷ đồng, chiếm 12,9% toàn tỉnh (1900/14.765).
Môi trường đầu tư tại KKTM Chu Lai ngày càng được hoàn thiện; cơ chế đầu tư vào KKTM Chu Lai, Khu thương mại tự do, các chủ trương chính sách, cơ chế đặc thù về đầu tư các dự án lớn như KCN cơ khí đa dụng và ôtô quốc gia, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, dự án cầu Cửa Đại, luồng vào cảng Kỳ Hà cho tàu 20.000 DWT, giãn thuế cho Công ty ôtô Trường Hải để đầu tư hạ tầng KCN và các dự án sản xuất kinh doanh… được các nhà đầu tư đánh giá cao, phát huy hiệu quả và đảm bảo yêu cầu hỗ trợ ban đầu cho nhà đầu tư trong khi chưa phát sinh lợi nhuận. Các dự án đầu tư tại KKTM Chu Lai đều được giải quyết thủ tục theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” và “một cửa liên thông”, thời gian giải quyết được rút ngắn tối đa so với quy định chung.
Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2006-2012 của KKTM Chu Lai đạt 11.996 tỷ đồng chiếm 50,2% toàn tỉnh, trong đó năm 2012 đạt 3.100 tỷ đồng và chiếm 55,5% so với cả tỉnh, đưa Quảng Nam thành tỉnh có số thu cao và tự cân đối trên 50% tổng nhu cầu chi. Với sự phát triển khá ấn tượng trong 10 năm qua, KKTM Chu Lai thật sự là hạt nhân kinh tế của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhanh tiến trình đưa Quảng Nam sớm trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 và giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Mặc dù đạt được những thành công bước đầu, song so với những lợi thế của KKTM Chu Lai thì những kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đã đề ra, mô hình phát triển còn nhiều hạn chế. Qua 10 năm đầu tư, hạ tầng kinh tế - xã hội của KKTM Chu Lai vẫn ở mức thấp, chưa đồng bộ, năng lực cảng biển chỉ mới đáp ứng được gần 30% yêu cầu; sân bay Chu Lai chưa có tuyến quốc tế; các ngành kinh tế có giá trị gia tăng không cao, chưa tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, thiếu những KCN chuyên dụng, công nghiệp nền để kích thích các ngành kinh tế khác phát triển, các ngành công nghiệp trên địa bàn KKTM Chu Lai là những ngành có giá trị gia tăng thấp, linh kiện, phụ tùng chủ yếu nhập khẩu; các tiện tích xã hội chưa phát triển, nhất là hệ thống giáo dục, đào tạo nghề chất lượng cao và khu vui chơi giải trí.
Ngoài ra, mô hình của KKT hiện nay là tách rời chức năng quản lý nhà nước về đầu tư và chức năng quản lý các vấn đề an sinh - xã hội nên đã phát sinh nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư còn nhiều lúng túng trong phân khúc thị trường và chưa xác định các nhà đầu tư chiến lược, cơ cấu đầu tư trong và ngoài nước chênh lệch quá cao, đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 20%; vốn thực hiện còn khiêm tốn, đạt khoảng 13,7% tổng vốn đầu tư đăng ký (0,75 tỷ USD/5,455 tỷ USD).
Câu 3: Đảng bộ huyện Núi Thành hiện nay có bao nhiêu tổ chức cơ sở đảng trực thuộc? Thuộc những loại hình tổ chức cơ sở đảng nào? Đến tháng 5 năm 2013 toàn đảng bộ có bao nhiêu đảng viên?
Trả lời:
a. Đảng bộ huyện Núi Thành hiện nay có: 38 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc (gồm có 17 xã, thị trấn; 21 đảng bộ, chi bộ cơ quan, trường học, công ty…)
b. Thuộc những loại hình tổ chức cơ sở đảng: xã, thị trấn; cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an); doanh nghiệp nhà nước.
c. Đến tháng 5 năm 2013 toàn đảng bộ có: 3.742 đồng chí đảng viên.
Câu 4: Huyện Núi Thành được thành lập ngày, tháng, năm nào? Hiện nay toàn huyện có bao nhiêu xã, thị trấn. Đến tháng 5/2013, có bao nhiêu xã đã phát động xây dựng xã nông thôn mới; có bao nhiêu xã được tỉnh, huyện chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới?
Trả lời:
a. Huyện Núi Thành được thành lập: ngày 03 tháng 12 năm 1983, theo Quyết định số 144-HĐBT, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); tách huyện Tam Kỳ thành 02 đơn vị hành chính: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành.
b. Huyện Núi Thành sau khi tách có 12 xã và 01 thị trấn. Hiện nay toàn huyện có 16 xã và 01 thị trấn.
c. Đến tháng 5 năm 2013, toàn huyện có 13 xã đã làm lễ phát động xây dựng xã Nông thôn mới (còn 3 xã: Tam Anh Nam, Tam Thạnh, Tam Hải chưa phát động); Toàn huyện có 3 xã (gồm Tam Hòa, Tam Mỹ Đông và Tam Xuân 2) được tỉnh và 01 xã (Tam Xuân 1) được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới .
Câu 5: Huyện Núi Thành được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày, tháng, năm nào? Có bao nhiêu xã, cơ quan, đơn vị được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân? Toàn huyện có bao nhiêu Anh hùng LLVT nhân dân? Bao nhiêu Bà mẹ Việt Nam anh hùng? Bao nhiêu thương binh? Bao nhiêu liệt sỹ? Đến năm 2012, trên địa bàn huyện có bao nhiêu di tích lịch sử, văn hoá được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh?
Trả lời:
a. Huyện Núi Thành được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 20 tháng 12 năm 1994.
b. Hiện nay, toàn huyện có 14 xã đã được Chủ tịch nước CHXHCNVN phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Gồm: Tam Mỹ Đông, Tam Mỹ Tây, Tam Hiệp, Tam Giang, Tam Trà, Tam Thạnh, Tam Hòa, Tam Sơn, Tam Nghĩa, Tam Hải, Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Xuân 1, Tam Xuân 2.
c. Hiện nay, toàn huyện có 18 cá nhân được Chủ tịch nước CHXHCNVN phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Gồm: Liệt sỹ Nguyễn Công Tòng (Tam Nghĩa), liệt sỹ Lê Văn Tâm (Tam Mỹ Tây), Hà Lân (Ba Đen) (Tam Hòa), Đỗ Thế Chấp (Tam Xuân 1), liệt sỹ Võ Thị Ái (Tam Xuân 1), liệt sỹ Võ Cước (Tam Giang), Vũ Ngọc Hải (Tam Xuân 1), liệt sỹ Hồ Truyền (Tam Hải), liệt sỹ Nguyễn Hữu Thiện (Tam Anh Bắc), liệt sỹ Dương Tiên (Tam Giang), Võ Phố (Tam Mỹ Tây), Lương Văn Hận (Tam Giang), liệt sỹ Dương Văn Lộc (Tam Quang), Nguyễn Thanh Khối (Tam Mỹ Tây), Võ Hồng Thân (Tam Hiệp), liệt sỹ Nguyễn Tấn Dương (Tam Hiệp), liệt sỹ Nguyễn Bá Nguyện (Tam Giang), Liệt sỹ Huỳnh Thị Kim Liên (Tam Hòa).
d. Toàn huyện, hiện nay đã được Đảng và Nhà nước truy tặng, phong tặng 270 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và được Nhà nước công nhận 4.612 liệt sỹ, 1.213 thương binh.
e. Đến năm 2012 trên địa bàn huyện Núi Thành có 37 di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, có 3 di tích lịch sử, văn hóa được Bộ VHTT-DL đã quyết định xếp hạng di tích quốc gia, gồm: Khu di tích Chiến thắng Núi Thành (Tam Nghĩa), Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (Tam Xuân 1); Khu Lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (Tam Xuân 1).
Câu 6: Qua tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện Núi Thành, anh (chị) hãy trình bày một sự kiện (trận đánh…) hoặc một cá nhân (cán bộ, chiến sĩ…) tiêu biểu, ấn tượng nhất, có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau?
Lập vành đai bảo vệ căn cứ Chu Lai - khu căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ, quân Mỹ chiếm Núi Thành, Núi Chúa, dãy Răng Cưa, thiết lập các chốt điểm nhằm kiểm soát cả một vùng rộng lớn ở phía tây. Cuộc chiến ngày càng trở nên ác liệt. Quân Mỹ ở các điểm chốt nghi ngờ nơi nào là gọi máy bay dội bom, gọi pháo tầm xa băm vằm nơi ấy. Ngày cũng như đêm ùng oàng tiếng bom rơi đạn nổ. Có vũ khí hiện đại, lại phản ứng nhanh trong mọi tình huống, quân Mỹ làm chủ chiến trường. Tư tưởng hoài nghi đánh Mỹ và thắng Mỹ manh nha xuất hiện trong suy nghĩ của không ít cán bộ đảng viên. Nhất là khi bọn chúng điên cuồng đánh phá căn cứ địa Tứ Mỹ và các vùng chung quanh như Kỳ Trà, Kỳ Thạnh… Quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ được Tỉnh ủy Quảng Nam xác định rõ. Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đội Đặc công V16 của Huyện đội Nam Tam Kỳ điều nghiên chốt điểm đồi Yên Ngựa - Núi Thành. Nhờ người dân quê chở che khi thâm nhập thực tế, các trinh sát tiếp cận mục tiêu, nắm được quy luật hoạt động của bọn chúng. Đêm 26.5.1965, bộ đội ta bất ngờ tiến công nơi đồn trú của quân Mỹ. Chỉ trong vòng ba mươi phút chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt gọn một đại đội lính thủy đánh bộ “mắt xanh mũi lõ”, cắm lá cờ “Quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đồi Yên Ngựa - Núi Thành.
Với trận đánh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam giành thắng lợi vang dội, Quảng Nam được Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam khen tặng tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Bị đối phương giáng một đòn phủ đầu choáng váng, quân Mỹ điên cuồng đánh phá và càn quét ra vùng giải phóng. Và bọn chúng bị du kích Kỳ Sanh chặn đánh ngay tại cánh đồng Nuột giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Lưu Nhứt và ông Nguyễn Võ là hai người dân ở chợ Cà Đó trực tiếp chứng kiến từ đầu đến cuối trận đánh Mỹ của du kích Kỳ Sanh. Gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng hai ông vẫn nhớ mãi. Hôm ấy, khoảng tám rưỡi sáng ngày 10.6.1965, một đại đội lính Mỹ từ đồi Giồng Bồ (đồi 69) kéo đến tập trung đông đen ở bên kia Cầu Xuổng - Khương Thọ, chuẩn bị vượt qua đồng Nuột, tiến vào thôn 4 Kỳ Sanh càn quét “tìm diệt Vici” sau trận đòn đau ở đồi Yên Ngựa - Núi Thành. Trực chiến hôm đó tại chợ Cà Đó gồm có các anh Phụng, Đoàn, Tâm, Lưu, Thiện và chị Hồng Cân. Tất cả phân chia ra thành ba tổ, nhanh chóng vận động tới mai phục ở những rặng duối rậm rạp phía trước nhà ông Nguyễn Kiểng chờ giặc đến. Khi bọn chúng vượt qua đồng Nuột, du kích Kỳ Sanh kiên gan chờ đợi cho tới khi khoảng cách chỉ còn vài ba chục mét, bất ngờ nổ súng. Những tên đi đầu trúng đạn ngã nhào. Bọn chúng vội tháo lui về ngõ Cầu Xuổng - Khương Thọ và bắn như mưa vào khu vực chợ Cà Đó. Cây cối gãy đổ ngổn ngang vì miểng đạn.
Khoảng mười phút sau, thấy đối phương không chống trả, quân Mỹ đinh ninh “Vici” đã rút nên hùng hổ vượt qua đồng Nuột, tiến về phía chợ Cà Đó. Bọn chúng đâu có ngờ rằng, du kích Kỳ Sanh lợi dụng các bờ bao dứa dại, vận động ra cánh đồng Nuột, ẩn nấp ở các bờ đất nhấp nhô, đợi chờ sẵn. Bọn chúng đến gần. Du kích Kỳ Sanh bắn tỉa. Những tên bị trọng thương vừa nằm giãy đành đạch, vừa kêu la oai oái. Đồng bọn xúm lại khiêng. Du kích Kỳ Sanh điểm xạ từng phát một. Nhiều viên đạn xuyên táo hai, ba tên. Hoảng sợ, bọn chúng bỏ chạy về hướng Cầu Xuổng - Khương Thọ và gọi phi pháo bắn cấp tập vào khu vực chợ Cà Đó. Bọn chúng đâu có biết du kích Kỳ Sanh ẩn nấp ở các bờ bao dứa dại sát đồng Nuột trống hơ trống hoác chặn đánh tiếp. Quá khiếp đảm, địch không dám liều mạng tràn ra đồng Nuột để cứu đồng bọn bị thương đang nằm ngồi lố nhố. Lúc bấy giờ du kích Kỳ Sanh cũng đã chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng. Bọn chúng gọi pháo tầm xa từ căn cứ Chu Lai băm vằm khu vực chợ Cà Đó, gọi máy bay lên thẳng đến bắn phá và sà xuống tải thương. Hai ông Lưu Nhứt và Nguyễn Võ từ xóm chợ Cà Đó chạy qua đồng Bộng tránh phi pháo, nhìn sang phía Cầu Xuổng - Khương Thọ, thấy bọn chúng khiêng một mớ lính Mỹ chết và bị trọng thương chuyển lên hai chiếc máy bay HU1A để chở về căn cứ Chu Lai.
Bị thất bại thảm hại, quân Mỹ buộc phải hủy bỏ cuộc hành quân càn quét vào Kỳ Sanh. Trận đánh Mỹ hôm đó khiến Đội du kích Kỳ Sanh vang danh khắp nơi. Bởi đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, lực lượng du kích đánh Mỹ và thắng Mỹ giữa thanh thiên bạch nhật. Tại hội nghị báo cáo điển hình và phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ của lực lượng du kích toàn miền Nam, ông Lê Văn Tâm - người trực tiếp chỉ huy đánh Mỹ ngay tại đồng Nuột, đã đúc kết kinh nghiệm bằng câu nói nổi tiếng: “Cứ tưởng đánh Mỹ khó, nhưng thực ra không khó! Bởi Mỹ to con nên dễ bắn trúng…”.
Các tay súng của Đội du kích Kỳ Sanh không những dũng cảm đánh Mỹ chớp nhoáng theo kiểu “xuất quỷ nhập thần”, táo bạo thâm nhập vào vùng địch hậu “diệt ác trừ gian”, mà còn sáng tạo ra nhiều phương cách đánh địch độc đáo, chế tạo ra nhiều loại mìn từ bom pháo lép để giết giặc. Các ông Lê Văn Tâm, Võ Phố… gài mìn trên ngọn cây cao diệt tàu cán gáo, máy bay lên thẳng. Bà Bùi Thị Lợi ở làng Tứ Mỹ bảo: “Chuyện về Đội du kích Kỳ Sanh, nếu viết thành sách, được một quyển dày”. Còn chồng bà - ông Đoàn Ngọc Ánh, cười nói: “Kỳ Sanh có chiến khu Tứ Mỹ, có nóc Ông Bền nổi tiếng cả khu 5. Và Đội du kích Kỳ Sanh với rất nhiều trận đánh đã đi vào lịch sử. Trong tình thế khó khăn thiếu thốn trăm bề, việc nhặt bom pháo lép đem về cải tiến lại thành mìn chống tăng là chuyện phổ biến ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, việc dùng bom pháo lép làm mìn tự tạo diệt máy bay trên trời là chuyện “độc nhất vô nhị”, chỉ những tay súng ở Đội du kích Kỳ Sanh mới nghĩ ra! Và loại “hàng độc” cùng với cách đánh “có một không hai” lại đạt hiệu quả cao, khiến kẻ thù phải khiếp sợ vì không thể nào ngờ tới!
Câu 7: Hãy nêu những cảm nghĩ của anh, chị về truyền thống lịch sử; vai trò lãnh đạo của Đảng bộ 80 năm qua đối với sự đổi thay, phát triển của huyện; hãy nêu những ý tưởng, giải pháp (hoặc dự định) của mình (nếu có) để góp sức xây dựng Núi Thành ngày càng giàu đẹp, văn minh (bài viết không quá 2.000 từ).
Qua 80 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ Núi Thành đã đi từ thắng lợi này đến lợi khác, trong thời chiến Đảng bộ đã truyền đạt đầy đủ và kịp thời các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy góp phần vào công cuộc giải phóng quê hương. Trong thời bình Đảng bộ đã cùng nhân dân xây dựng huyện Núi Thành ngày càng văn minh hiện đại, quyết tâm xây dựng Núi Thành trở thành huyện công nghiệp vào năm 2015.
Giải pháp để góp sức xây dựng huyện Núi Thành ngày càng văn minh, giàu đẹp:
Thứ nhất: Tổ chức gặp mặt đối thoại với các doanh nghiệp; cam kết, nhất quán và định hướng dài hạn trong môi trường đầu tư của doanh nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội doanh nghiệp; Nâng cao tính công khai, minh bạch, hoàn thiện và công bố công khai các loại quy hoạch; thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch, giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng và cấp phép. Rà soát, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, giải quyết kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp, đồng thời quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh. Thực hiện việc mở các lớp đào tạo cho doanh nghiệp, nhất là các lớp về Thuế, Tài chính, Quản trị doanh nghiệp….
Củng cố vai trò của Đoàn Luật sư, các Phòng công chứng, các tổ chức Tư vấn pháp lý trong việc hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng trong hoạt động xét xử các vụ kiện của doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn giới thiệu miễn phí các sản phẩm phù hợp với ngành nghề khuyến khích đầu tư của tỉnh, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng thuộc nhóm ngành kinh tế mũi nhọn tại các hội trợ triển lãm trên toàn quốc; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hoá, xây dựng chiến lược sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Thương mại và nhất là nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển. Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, đưa hàng Việt về nông thôn, kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo giá cả thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Thứ hai: trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao các Sở ngành, Chính quyền địa phương nên xem doanh nghiệp là đối tác để đồng hành, vai trò của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động tại chỗ mà còn là nhà tư vấn kinh tế, giúp cho chính quyền địa phương trong việc xây dựng chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn đang gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự cầu thị của Quý Lãnh đạo đã tạo niềm tin và động lực để các doanh nghiệp phát triển. Chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, công khai những quy định, chế độ chính sách của tỉnh trên các trang thông tin của tỉnh và của các Sở, ngành để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cập nhật kịp thời, luôn tạo niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Thứ ba: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cấp, các ngành để kiện toàn và thống nhất quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh, nhằm tăng cường quản lý đất đai, chống lãng phí trong sử dụng nguồn tài nguyên đất. Tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đặc thù của Khu kinh tế mở Chu Lai theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai. Công khai quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo quyền lợi cho người dân, tổ chức có đất thu hồi. Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công bố công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khai thác khoáng sản kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công khai các loại hình quy hoạch nhất là Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng tài liệu quảng bá các danh mục dự án kêu gọi đầu tư; Công khai danh mục các dự án có sử dụng đất cần lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án, danh mục các dự án đầu tư theo hình thức công tư, danh mục các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng được sử dụng quỹ đất để tạo vốn.
Thứ tư, Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chú trọng chất lượng đào tạo nghề, thực hiện việc liên thông trong đào tạo nghề. Triển khai đề án về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào; kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng lao động tại chỗ. Nâng cao chất lượng trong việc hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai thực hiện Đề án cải cách chế độ công vụ công chức đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012.
Tác giả bài viết: Phạm Công Viên
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://tranphu-nuithanh.edu.vn là vi phạm bản quyền